HS code là gì. Tra mã HS code nhanh nhất

Bạn đã nghe qua nhiều về thuật ngữ mã HS hay HS code, vậy đó là gì? Và việc tra đúng mã HS có tầm quan trọng lớn trong việc tính thuế của lô hàng và giá cả của hàng hóa. Bài viết này sẽ giải thích cho bạn về HS code là gì và cách tra mã HS code một cách chính xác nhất!

HS code là gì?

HS code là gì
Mã HS code là gì

Mã HS hay HS code là mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu có tên là “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa” – Harmonized Commodity Description and Coding System – đươc quy định theo Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới phát hành.

Mã HS code không chỉ được sử dụng với hàng hóa hữu hình mà còn được áp dụng với cả hàng hóa vô hình.
Như một hàng hóa cần xuất nhập khẩu là một bộ phim được chứa đựng trong ổ cứng thì mã HS sẽ được tra là mã của ổ cứng này.

Hiện nay một số quốc gia trên thế giới có thể dùng HS code với 10 chữ số hoặc 12 chữ số. Việt Nam áp dụng mã HS cho hàng hóa là 8 chữ số.

Phân chia mã hàng hóa trong HS như thế nào?

Hàng hóa được phân chia thành các Phần trong hệ thống HS, các phần được chia làm các Chương,  trong chương được chia thành các Nhóm, trong nhóm được chia thành các Phân Nhóm.

– Phần: Trong bộ mã HS có tổng cộng 21 hoặc 22 Phần, mỗi phần đều có chú giải phần

— Chương: Gồm có 97 chương, mỗi chương đều có chú giải chương. 2 ký tự đầu tiên mô tả tổng quát về hàng hoá (thêm chương 98 và 99 dành riêng cho mỗi quốc gia)

— Nhóm: Bao gồm 2 ký tự, phân chia sản phẩm theo từng nhóm chung

—- Phân nhóm: 2 ký tự, được chia ra nhóm chung hơn từ nhóm

—– Phân nhóm phụ : 2 ký tự. Phân nhóm phụ do mỗi quốc gia quy định.

Ví dụ: Bạn muốn xuất khẩu QUẢ MĂNG CỤT, bạn cần phải xác định mã số hàng hóa của mặt hàng này để tra cứu thuế xuất khẩu, các chính sách xuất khẩu tại Việt Nam và các thuế nhập khẩu, các chính sách nhập khẩu tại nước nhập khẩu. Dựa vào hệ thống HS, chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, theo đó mặt hàng QUẢ MĂNG CỤT được phân loại và có mã HS là 0804.50.30 Với mã HS này 08 là Chương, 0804 là Nhóm, 080450 là phân nhóm và 08045030 là phân nhóm phụ.

6 quy tắc phân loại hàng hóa để áp mã HS

Việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phải tuân theo các quy tắc sau:

HS code là gì
HS code là gì

Quy tắc 1: Quy tắc tổng quát chung

“Tên của các phần, của chương hoặc của phân chương được đưa ra chỉ nhằm mục đích dễ tra cứu. Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa phải được xác định theo nội dung của từng nhóm và bất cứ chú giải của các phần, chương liên quan và theo các quy tắc dưới đây nếu các nhóm hoặc các chú giải đó không có yêu cầu nào khác.”

Quy tắc 1 được xem xét đầu tiên trong quy trình phân loại mã HS.

Tên đề mục của Phần, Nhóm, Phân nhóm “chỉ nhằm mục đích tra cứu” và không có giá trị pháp lý trong việc phân loại hàng hóa.

Việc phân loại hàng hóa được xác định theo nội dung của nhóm hàng và bất cứ chú giải phần hoặc chương nào có liên quan, và tuân theo các quy tắc 2, 3, 4 hoặc 5 khi nhóm hàng hoặc các chú giải không có yêu cầu nào khác.

Quy tắc 2: Chưa hoàn thành, chưa hoàn thiện, chưa lắp ráp, đã tháo rời; Hỗn hợp hoặc hợp chất.

Khi quy tắc 1 không thể áp dụng thì xem xét đến quy tắc 2. Quy tắc 2 áp dụng cho: Các mặt hàng ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện, ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời; Hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất.

Gồm hai quy tắc:

– Quy tắc 2a: Hàng hóa ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện nhưng đã có đặc tính cơ bản của hàng hóa đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện thì được phân loại cùng nhóm với hàng hóa đã hoàn chỉnh. Áp dụng tương tự cho hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời.

Ví dụ: Xe ô tô thiếu bánh xe vẫn được áp mã theo xe ô tô.

– Quy tắc 2b: Các hàng hóa được làm từ một phần nguyên liệu hoặc chất sẽ được phân loại giống các hàng hóa được làm từ nguyên liệu hay chất đó.

Ví dụ: Axit sunfuric 100% thuộc nhóm 2807, Nước thuộc nhóm 2201. Hỗn hợp Axit sunfuric và nước được phân vào nhóm 2807 – áp mã theo chất cơ bản là Axit sunfuric.

Quy tắc 3: Cụ thể nhất; Đặc trưng cơ bản; Thứ tự sau cùng

Khi áp dụng quy tắc 2(b) hoặc vì bất cứ một lý do nào khác, hàng hoá thoạt nhìn có thể phân loại vào hai hay nhiều nhóm, thì sẽ phân loại như sau:

– Quy tắc 3a: Những nhóm có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả khái quát khi thực hiện việc phân loại hàng hóa. Tuy nhiên, khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến một phần của nguyên liệu hoặc chất chứa trong hàng hóa là hỗn hợp hay hợp chất, hoặc chỉ liên quan đến một phần của hàng hóa trong trường hợp hàng hóa đó ở dạng bộ được đóng gói để bản lẻ, thì những nhóm này được coi như thể hiện đặc trưng ngang nhau về những hàng hóa nói trên, ngay cả khi một trong số các nhóm đó có mô tả đầy đủ hơn hoặc chính xác hơn về những hàng hoá đó.

Ví dụ: Tông đơ tỉa lông. Áp dụng quy tắc 3a, những nhóm có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả khái quát. Xét thấy nhóm 8510: “Tông đơ và các dụng cụ loại bỏ râu, lông tóc” có miêu tả cụ thể hơn nhóm 8467: “Dụng cụ cầm tay có gắn động cơ điện”. Do đó, Tông đơ tỉa lông được phân vào nhóm 8510.

– Quy tắc 3b: Những hàng hóa hỗn hợp bao gồm nhiều nguyên liệu khác nhau hoặc những hàng hóa được làm từ nhiều bộ phận cấu thành khác nhau, và những hàng hóa ở dạng bộ để bán lẻ nếu không phân loại được theo quy tắc 3a, thì phân loại theo nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành tạo ra đặc tính cơ bản của hàng hóa,

Theo quy tắc 3b này, hàng hóa được coi như “ở dạng bộ được đóng gói để bán lẻ” phải có những điều kiện sau:

+ Phải có ít nhất hai loại hàng khác nhau, mà ngay từ ban đầu thoạt nhìn có thể xếp vào nhiều nhóm hàng khác nhau. Ví dụ: sáu cái nĩa rán không thể coi là một bộ theo quy tắc này, vì không thể xếp 6 cái nĩa rán vào hai nhóm hàng.

+ Gồm những sản phẩm hoặc hàng hóa được xếp đặt cùng nhau để đáp ứng một yêu cầu nhất định hoặc để thực hiện một chức năng xác định;

+ Được xếp theo cách thích hợp để bán trực tiếp cho người sử dụng mà không cần đóng gói tiếp (ví dụ: đóng gói trong hộp, tráp, hòm).

Ví dụ: Bộ sản phẩm gồm lược (9615), kéo (8213), chối (2603) và máy kẹp tóc (8510). Bộ sản phẩm này đáp ứng các điều kiện để được coi như “ở dạng bộ được đóng gói để bán lẻ”

Và trong bộ sản phẩm này, máy kẹp tóc (8510) là sản phẩm chính. Do đó, bộ làm tóc được phân vào nhóm 8510.

– Quy tắc 3c: Khi không thể áp dụng quy tắc 3a hoặc 3b thì phân loại hàng hóa vào nhóm cuối cùng theo thứ tự đánh số trong số các nhóm tương đương được xem xét

Ví dụ: Socola sữa có tỉ lệ sữa = tỉ lệ bột cacao = 50%. Xét thấy không thể phân loại vào nhóm 0402 hoặc nhóm 1806 theo quy tắc 3a, và cũng không thể phân loại theo nguyên tắc 3b. Do đó, mặt hàng sẽ được phân loại vào quy tắc 3c: “phân loại vào nhóm có thứ tự sau cùng trong số các nhóm cùng được xem xét”. Theo đó, socola sữa được phân loại vào nhóm 1806.

Quy tắc 4: Nhóm giống chúng nhất

Nếu hàng hóa không thể phân loại theo đúng các quy tắc phía trên thì được phân loại vào nhóm phù hợp với loại hàng hóa giống chúng nhất.

Ví dụ: Men dạng viên, được dùng giống như thuốc thì được áp vào mã thuốc 30.04.

Quy tắc 5: Bao bì

Phạm vi áp dụng: Hộp, túi, bao và các loại bao bì có hình dạng đặc biệt, Các loại chứa đựng hoặc đi kèm với sản phẩm.

–  Quy tắc 5a: Hộp, túi, bao và các loại bao bì chứa đựng tương tự

Các loại bao hộp tương tự, thích hợp hoặc có hình dạng đặc biệt để chứa hàng hóa hoặc bộ hàng hóa xác định, có thể dùng trong thời gian dài và đi kèm với sản phẩm khi bán, được phân loại cùng với những sản phẩm này. Tuy nhiên, nguyên tắc này không được áp dụng đối với bao bì mang tính chất cơ bản nổi trội hơn so với hàng hóa mà nó chứa đựng.

Ví dụ: Hộp đựng ghita có hình dạng của đàn ghita. Do đó, được phân loại vào nhóm cùng với đàn ghita: 9209. Tuy nhiên, hộp đựng kính đeo mắt bằng vàng không thể áp mã theo kính.

–  Quy tắc 5b: Bao bì

Quy định việc phân loại bao bì thường được dùng để đóng gói chứa đựng hàng hóa. Tuy nhiên quy tắc này không áp dụng cho bao bì có thể dùng lặp lại, ví dụ trong trường hợp thùng kim loại hoặc bình sắt, thép đựng khí đốt dạng nén hoặc lỏng.

Ví dụ: Không áp mã bình chứa ga bằng thép (bình có thế sử dụng lại) vào mã ga được mà phải được phân theo mã riêng. Nếu bình ga dùng một lần thì áp mã ga.

Quy tắc 6: Áp dụng cho phân nhóm

Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hoá ở cấp độ phân nhóm phải đảm bảo:

Được xác định phù hợp theo nội dung của phân nhóm và chú giải phân nhóm. Theo quy tắc này thì các chú giải phần và chương có liên quan cũng được áp dụng, trừ khi nội dung mô tả trong nhóm có những yêu cầu khác.

Phải xác định mã HS ở cấp độ Nhóm trước tiên

Các quy tắc 1 đến 5 điều chỉnh việc phân loại ở cấp độ phân nhóm trong cùng một nhóm.

Chỉ những phân nhóm cùng cấp độ mới so sánh được.

Bài viết này Cần Thơ Logistics đã giúp bạn giải thích mã HS là gì và tầm quan trọng của mã HS, cũng như những quy tắc để tra chính xác mã HS.

Cần Thơ Logistics cung cấp các dịch vụ vận chuyển quốc tế, chuyển phát nhanh quốc tế, order hộ hàng hóa từ các trang thương mại điện tử nước ngoài, chuyển phát nhanh nội địa nhanh chóng…

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ hotline 0902923633!

Địa chỉ văn phòng: 67/4 Phan Đăng Lưu, Thới Bình, Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Xem thêm: SALES LOGISTICS DỄ HAY KHÓ? AI CÒN BÂNG KHUÂNG THÌ BƠI VÀO!

Gửi mỹ phẩm từ Nhật Bản về Việt Nam dễ dàng